Một số cập nhật và xu hướng về tình hình chuyển đổi số trên thế giới

Cập nhật về tình hình chuyển đổi số trên thế giới

Trong vài năm trở lại đây, chuyển đổi số đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực chú trọng đẩy mạnh và phát triển. Đại dịch Covid 19 xảy ra đã làm bật tính tất yếu của xu hướng này. Trên thực tế, những đổi mới kỹ thuật số lẽ ra có thể diễn ra trong 10-20 năm tới đã bị “nén lại” trong hai năm qua. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng và nhạy bén với chuyển đổi số đã tạo ra khoảng cách rất rõ nét với những doanh nghiệp chưa hoặc chậm trễ trong quá trình chuyển đổi số.

Cụ thể, theo khảo sát của Accenture vào năm 2021, nếu như khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa những doanh nghiệp dẫn đầu (Leaders) và doanh nghiệp tụt hậu (Laggards) vào năm 2019 chỉ là 2 lần, thì vào năm 2021 khoảng cách ấy đã tăng lên 5 lần (Hình 1). Có thể thấy, những doanh nghiệp biết áp dụng công nghệ tiên tiến sớm hơn có cơ hội tạo ra những bước tiến lớn hơn, bắt kịp với xu hướng phát triển và tạo thêm nhiều giá trị mới.

       Hình 1: Khoảng cách về tốc độ tăng trưởng ngày càng gia tăng giữa DN dẫn đầu và DN tụt hậu

Xu hướng công nghệ trong 5 năm tới

Báo cáo “Top trends in Tech” của McKinsey & Company (2021) đã đưa ra 10 xu hướng lớn về mặt công nghệ sẽ phát triển mạnh trong 5 năm tới, có thể định hình lại tương lai của thị trường và các ngành trong vài thập kỷ tới. Hiệu ứng kết hợp của những công nghệ này sẽ làm khuếch đại và tăng tốc các mô hình kinh doanh đổi mới. Hình sau mô tả mức độ ảnh hưởng ước tính của chúng lên các lĩnh vực khác nhau.

                     Hình 2: Mức độ ảnh hưởng ước tính của công nghệ lên các lĩnh vực

Trong bối cảnh tại Việt Nam, có 08 nhóm công nghệ chính sau đây được cho là có thể đem lại những tiềm năng chuyển đổi cho doanh nghiệp:

1. Internet di động (Mobile internet): Internet di động ở Việt Nam đã thúc đẩy việc áp dụng các mô hình kinh doanh mới như nền kinh tế ứng dụng (app economy), các dịch vụ OTT (over-the-top) và thương mại di động (m-commerce).

2. Điện toán đám mây (Cloud computing): đề cập đến việc cung cấp tài nguyên công nghệ thông tin (CNTT) qua Internet. Công nghệ điện toán đám mây cho phép các cá nhân và tổ chức tiếp cận các dịch vụ công nghệ như sức mạnh tính toán vượt trội, lưu trữ dữ liệu và các công cụ quản lý bất cứ khi nào cần thiết. Việc mua, sở hữu và duy trì các trung tâm dữ liệu và máy chủ vật lý có thể không khả thi về chi phí, đặc biệt đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

3. Dữ liệu lớn (Big data): Dữ liệu lớn, và việc phân tích nó, đề cập đến khả năng phân tích khối lượng dữ liệu cực kì lớn, đưa ra những hiểu biết sâu sắc để từ đó đưa ra phương án hành động – thường theo thời gian thực. Ví dụ những phân tích mang tính dự đoán có thể giúp nhân viên và doanh nghiệp phân tích sở thích của khách hàng hiệu quả hơn để tăng sự hài lòng của khách hàng.

4. Trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence): AI đề cập đến khả năng phần mềm hoặc phần cứng thể hiện trí thông minh giống con người. Điều này đòi hỏi một tập hợp các công nghệ cho phép máy tính nhận thức, học hỏi, suy luận và hỗ trợ ra quyết định để giải quyết vấn đề theo cách tương tự như những gì con người làm. Ví dụ về các ứng dụng AI bao gồm trợ lý ảo, xe cộ tự lái và công cụ nhận dạng giọng nói.

5. Công nghệ tài chính (Fintech): Fintech là công cụ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ tài chính thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho gửi tiền, thanh toán, nhờ đó các khách hàng tiếp cận thuận lợi hơn tới các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế (ví dụ: bán lẻ).

6. Internet kết nối vạn vật (IoT): là mạng lưới các đối tượng vật lý được gắn cảm biến, phần mềm và các công nghệ khác để kết nối và trao đổi dữ liệu với các thiết bị và hệ thống khác qua Internet. IoT có một số ứng dụng trên các lĩnh vực với tiềm năng kinh tế đáng kể như phát triển các thiết bị đeo có thể giúp theo dõi và duy trì sức khỏe; tiêu thụ năng lượng có thể được giám sát và tối ưu hóa trong tòa nhà; sử dụng thiết bị có thể được tối ưu hoá, hiệu suất và sự an toàn của các nhà máy được cải thiện.

7. Người máy tiên tiến (Advanced robotics): So với robot thông thường, robot tiên tiến có nhận thức, khả năng tích hợp, khả năng thích ứng và tính di động vượt trội. Ví dụ, trong lĩnh vực sản xuất, robot tiên tiến có thể tăng năng suất và tính linh hoạt trong cả nhà máy cùng với chuỗi cung ứng, đồng thời cho phép các nhà sản xuất nhanh chóng điều chỉnh theo nhu cầu thay đổi của khách hàng.

8. Sản xuất bồi đắp (Additive manufacturing): là các công nghệ xây dựng các đối tượng 3D bằng cách thêm từng lớp vật liệu. Có rất nhiều lợi ích tiềm năng, chẳng hạn như khả năng xử lý các thành phần phức tạp, khối lượng thấp trong đó tốc độ quay vòng nhanh là rất quan trọng.

Nhận xét chung

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế số đặt mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025 và đạt 30% GDP đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.

Giai đoạn 2021-2022, các doanh nghiệp đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức. Giai đoạn 2023-2025 là giai đoạn tăng tốc, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số cụ thể trên nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương để đạt được mục tiêu như mong đợi.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), việc nhận thức chung được một số xu hướng công nghệ trên thế giới, tiềm năng của chúng, hiểu được thực trạng, mức độ sẵn sàng (MĐSS) chuyển đổi số, cũng như học hỏi từ những câu chuyện về chuyển đổi số sẽ giúp mỗi doanh nghiệp khéo léo xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp của riêng mình, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chi tiết tại nguồn: https://digital.business.gov.vn/mot-so-cap-nhat-va-xu-huong-ve-tinh-hinh-chuyen-doi-so-tren-the-gioi/