Trong xu thế thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, nhiều chuyên gia nhận định việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt trong nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tại diễn đàn Quốc tế về kinh doanh sáng tạo với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thực chiến để tăng cường nội lực và tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt Nam” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức mới đây, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhấn mạnh: “Trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, dịch vụ có đặc tính cạnh tranh hay vượt trội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.
NĂNG LỰC CÔNG NGHỆ LÀ YẾU TỐ THEN CHỐT
Phát biểu tại diễn đàn, ông Huỳnh Thành Đạt cho rằng việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế với hàng loạt FTA thế hệ mới đã được ký kết và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động ngày càng sâu rộng.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn thời gian gần đây dẫn tới sự gia tăng của những biện pháp tăng cường bảo hộ.
“Sự cạnh tranh quyết liệt về công nghệ cùng với đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững là các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho doanh nghiệp, tạo áp lực lớn buộc doanh nghiệp phải thực hiện các giải pháp căn cơ, quyết liệt để vượt qua thách thức cốt yếu về việc hấp thụ. Đồng thời, cần đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ theo hướng công nghệ xanh và bền vững”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.
“Thuật ngữ “chuyển đổi kép” không chỉ đề cập đến hai xu hướng chuyển đổi diễn ra đồng thời (chuyển đổi xanh và chuyển đổi số) mà còn cho thấy việc hợp nhất hai xu hướng này có thể tăng tốc những sự chuyển đổi cần thiết, đưa xã hội đến gần hơn với mức độ chuyển đổi mong muốn”.
Ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam.
Đồng tình, ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, cho rằng chuyển đổi số sẽ diễn ra trong tất cả các quy trình ở mọi cấp độ trong xã hội, gồm cơ sở hạ tầng, dịch vụ, các ứng dụng, hành vi cá nhân.
Song song với đó là chuyển đổi xanh nhằm mục đích giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo tổn và cải tạo môi trường tự nhiên, đảo ngược quá trình suy thoái của môi trường và đảm bảo phần lớn năng lượng đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về các quốc gia dẫn đầu chuyển đổi kép (chuyển đổi xanh và chuyển đổi số), trong giai đoạn 2017 – 2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%).
Tuy nhiên, Việt Nam chỉ sở hữu 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế số của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Mayalisa (58%), Phillippines (16%) vàThái Lan (11%).
TĂNG DOANH SỐ VÀ TIẾT GIẢM CHI PHÍ
Theo ông Nguyễn Hải Triều, Nhà sáng lập và CEO PrimeData.ai, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 là 14,7 tỷ USD, dự kiến tăng lên 23,77 tỷ USD vào năm 2029, tốc độ tăng trưởng CAGR là 10,09% đứng số 10 thế giới và số 1 Đông Nam Á.
Quý 1/2024 thương mại điện tư tăng trưởng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2023 với 510 nghìn nhà bán online, số đơn vị sản phẩm được tiêu thụ trên sàn là 768,44 triệu, có tổng giá trị giao dịch trên sàn là 79,12 nghìn tỷ đồng. Tính theo sàn thì Shopee chiếm 53,74 nghìn tỷ, TikTok Shop 18,36 nghìn tỷ, Lazada 6,03 nghìn tỷ và Tiki 997,06 tỷ đồng.
Doanh thu trung bình một shop trên Shopee 222 triệu đồng, TikTok Shop 151 triệu đồng, Tiki 90 triệu và Lazada 54 triệu đồng.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Hải Triều, một trong những khó khăn đối với các sàn thương mại điện tử đó là việc giữ chân khách hàng. Theo thống kê trung bình chỉ có 15% khách hàng thường xuyên quay lại, 25% khách hàng thỉnh thoảng quay lại, nhưng có đến 80% khách hàng đã rời bỏ, không quay lại. Đây cũng là bài toán lớn mà các cửa hàng online phải giải.
“Bởi vì, nếu chúng ta tăng 5% khách hàng trung thành, thì chúng ta có thể tăng được đến 25% – 200% lợi nhuận”, ông Triều cho biết thêm.
Mặt khác, theo ông Phạm Hồng Sơn, chuyên gia về thương mại điện tử và chuyển đổi số hệ thống phân phối (Unilever), câu chuyện chuyển đổi số cuối cùng vẫn là câu chuyện gia tăng doanh số và tiết giảm chi phí.
“Chúng ta phải sẽ phải đặt câu hỏi: Bán hàng trên kênh nào để có thể gia tăng doanh số và tiết giảm chi phí lớn nhất?”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, hiện tại chúng ta có ba kênh bán hàng chính. Cụ thể là kênh truyền thống (cửa hàng tạp hóa) với 70% hàng hóa tiêu dùng phân phối qua kênh này, tốc độ tăng trưởng 4 – 5% (thấp hơn tốc độ tăng GDP nhưng vẫn đang tăng trưởng dương). Tiếp đến là kênh bán hàng hiện đại, là các siêu thị, cửa hàng tiện ích chiếm 20% doanh số với mức độ tăng trưởng 10%. Cuối cùng là kênh bán hàng online, hiện chỉ chiếm 5%, với mức độ tăng trưởng cao 35 – 45%.
“Về chi phí bán hàng thì kênh truyền thống vẫn có chi phí bán hàng thấp nhất, tiếp theo là kênh hiện đại, kênh online vẫn có chi phí lớn nhất chủ yếu đến từ chi phí khuyến mãi. Thậm chí đang có xu hướng lạm phát khuyến mãi ở kênh này”, ông Sơn cho biết thêm.
Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hải Triều cho rằng việc phân tích dữ liệu, nắm bắt xu hướng hành vi tiêu dùng sẽ giúp cho doanh nghiệp am hiểu khách hàng, biết được nhu cầu để đáp ứng đúng và kịp thời nhu cầu cũng như xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Qua đó, khách hàng sẽ tìm đến, ở lại và trung thành với doanh nghiệp mà không phải bỏ qua nhiều tiền ra để làm quảng cáo, khuyến mại.
Nguồn: https://vneconomy.vn/ung-dung-cong-nghe-tao-su-but-pha-cho-doanh-nghiep-viet.htm